Kinh nghiệm thi Supply Chain Comprehensive Exam (MM SCM)

Hôm nay có kết quả chính thức kì thi cuối cùng của khóa học Supply Chain của MIT, Comprehensive Final Exam Test (CFx). Gọi là kết quả chính thức vì mặc dù tôi đã biết điểm mình ngay sau khi thi xong nhưng vẫn cần chờ MIT thực hiện việc một chu trình xét duyệt để đảm bảo không có việc gian lận trong thi cử. Đậu (yêu cầu 60%), được 81% với 95% Quantitative & 67% Qualitative. Cân nhắc một hồi, tôi quyết định viết vài dòng tổng kết cho chính mình vì quả thật là quá trình ôn thi tôi ngộ ra được vài thứ nên muốn ghi lại. Mặc dù tôi hiểu về hiệu quả bài viết trên tiêu chí số người đọc hoặc cho người thi trong tương lai thật sự tận dụng được nó sẽ không nhiều lắm. Nói thế này vì theo tôi ước tính trong 1177 thí sinh đầu tiên trên thế giới qua được 5 khóa học của MIT để đạt chuẩn dự thi, thì cũng chỉ có hơn 800 một chút là quyết định bỏ ra $600 để thi. Hơn nữa, số người ở Việt Nam đạt chuẩn trong lần này là 0.3%. Tạm ước tính là có khoảng 2.5 người Việt Nam thi cùng đợt. Tuy nhiên, tôi nghĩ con số này rồi cũng sẽ tăng vì các bạn đã & đang làm Tiki cũng phải tới 4 – 5 bạn có khả năng sẽ tham dự kì thi ngày trong đợt tiếp theo là tháng 01/2018.

Bài viết này cấu trúc đơn giản hai phần:

  1. Kinh nghiệm việc học
  2. Kinh nghiệm lúc thi

Về việc học

Tổng quan về khối lượng ôn tập: Phải nói là khổng lồ. Để học 5 khóa này (trong lúc đi làm), tôi đã mất 2.5 năm và một lần thất bại với khóa 2, vì nó quá khó với tôi thời điểm đó. Chữ khó này mang tính tương đối vì nó rất phụ thuộc vào việc bạn có thể bỏ bao nhiêu thời gian cho việc học. Tổng số bài học là khoảng 40 bài. Và mỗi bài, MIT khuyên học trong khoảng 8 – 12 tiếng/ tuần. Nói để bạn hiểu rằng, khối lượng này rất lớn, và nếu bạn không học tử tế lúc đầu và vẫn muốn lấy bằng thì đoạn cuối sẽ vật vã như thế nào.

Để bắt đầu, tôi có lập một biểu học (xem ở phụ lục 1) để hình dung được cả khối lượng lẫn tiến độ mình đang làm như thế nào. Cái này rất quan trọng ở ý nghĩa là còn bao lâu nữa là “lên thớt” để cố mà học. Và quả thật do không nghiêm túc ôn hai môn cuối cùng là: Supply Chain Dynamics (SCx3) và Supply Chain Technology and Systems (SCx4) mà nó đã phản ánh ngay lập tức vào kết quả bài Qualitative của tôi. Vì vậy, tôi hi vọng bạn sẽ kỉ luật hơn với mức tôi làm được với bản thân.

Về nội dung và cách ôn lại thì có vài điểm ngắn gọn:

  1. Chịu khó làm lại tất cả Quick Question, Problem Practice và phần Graded Assignment (GA). Trong lúc làm thì mở tài liệu: Key Concept Document (KCD) mà đã được các thầy soạn sẵn. Nếu có nhiều thời gian và đó là phần bạn không vững lắm thì có thể xem lại Slide, rồi mới tới Video. Vì xem Video rất mất thời gian.
  2. Tận dụng tối đa phần đáp án và giải thích của các phần trên đã có sẵn trong học liệu. Đồng thời, tận dụng cả phần trao đổi của các sinh viên khác. Phần này tôi đánh giá là có hai ích lợi chính (1) rất nhiều bạn “có tâm” giải thích cực kì chi tiết, (2) tăng thêm nhuệ khí học hành chính vì việc nhận thấy có những thằng quá giỏi nên có thể trả lời “có tâm” một cách đẹp đẽ và tường minh đến thế. Và bạn sẽ tiếp tục gặp việc này khi tham gia nhóm chat ôn thi do MIT mở ra khi thỉnh thoảng gặp các ca hỏi bài và chỉ 1 phút sau nhận được một tờ giấy viết tay nguệch ngoạc các công thức phức tạp nào đó được chụp và gửi vào nhóm. Tuy nhiên, đừng tự kỉ quá với nhóm này. Nhắc lại, đừng tự kỉ, vì bạn vẫn có thể đạt điểm cao dù không quái vật vậy.
  3. Lúc làm mà thấy tự kỉ vì sao bài khó thế mà ngày xưa cũng làm được thì có thể tự xem lại lời giải của chính bạn, một con người giỏi giang, ngày xưa đã làm được. Để có được phần này, hẳn nhiên là bạn cần tổ chức một cách tương đối khoa học toàn bộ lời giải của các khóa học trước đây. Xem xong, ít nhận bạn cũng sẽ tự an ủi, mình của ngày xưa làm được, ngày nay sau 1 – 2 năm hẳn phải thông minh lên, rồi cũng sẽ làm được thôi. Hãy tự an ủi như thế vào những lúc rơi xuống đáy, vì mớ công thức rối rắm.
  4. Hãy ước chừng cho bản thân một cái guồng kiểu như với tổng thời gian khoảng 100 – 120 tiếng. Tức là nếu mỗi ngày học 3 tiếng thì cần 40 ngày, học 4 tiếng thì cần 30 ngày.
    1. Ôn lượt 1 (khoảng 80 giờ): mỗi bài khoảng 2 tiếng. Và vì chỉ có 2 tiếng, không cần tham làm ngay phần GA, vì cảm nhận cá nhân của là GA sẽ khó hơn bài Practice. Làm phần Practice để lấy cảm giác và đỡ ngợp.
    2. Ôn lượt 2 (khoảng 15 – 16 giờ): Lập thành các chuyên đề mà bản thân không mạnh và làm khoảng ⅔ số bài trong GA. Bản thân tôi thì kịp làm 4 chuyên đề sau:
      1. Xác suất, thống kê và dự báo
      2. Các chính sách tồn kho: EOQ, Extended EOQ…
      3. Thiết kế Supply Chain Network
      4. Tài chính trong Supply Chain.
    3. Ôn lượt 3 (khoảng 4 – 5 giờ): Tạo đề giả để tự thi. Cá nhân tôi tự tạo khoảng 10 câu/ đề, rồi làm cái phần ⅓ chưa đụng tới ở lượt ôn 2 còn sót lại. Việc này giúp bạn có cảm giác hơn về phòng thi.
      Lưu ý: Trên thực tế thì tôi làm công đoạn 4.3., trước 4.2.. Nhưng nếu được cho lời khuyên, thì tôi nghĩ bạn nên làm việc ôn tập trung chuyên đề trước khi làm đề. Vì ở mức độ nào đó, bạn tương đối dự đoán được đề thi kiểu gì cũng có một số nội dung gì và lại đã biết mình yếu phần đó thì hãy tập trung vào luôn. Đề tổng hợp, có thể làm hoặc không làm. Và 1 – 2 lượt tự làm cho có cảm giác là được rồi.
  5. Tham gia nhóm học Online và tuyệt vời hơn nếu có đội để học Offline với nhau. Việc này là tùy chọn. Như trên đã nói thì ở Việt Nam có 2 – 3 người. Có một người tôi liên lạc được thì lại có khoảng cách địa lý, nên cũng đành chịu, nghĩa là tự học một mình từ đầu đến cuối.

Trong quá trình học, tôi cũng ngộ ra một cái sai lầm khi tiếp cận việc học. Nhận ra nó và sửa sai, tôi thấy tiết kiệm dược rất nhiều thời gian và dần bắt kịp tiến độ học. Mặc dù vậy tôi vẫn không thể kịp ôn môn SCx3 và 4. Vì vậy, tôi mong bạn sẽ tiết kiệm được thời gian tôi lãng phí. Có thể tóm tắt sau lầm có diễn tiến như sau:

  1. Bài toán X, có nền tảng là định lý Y (có thể là 1 hoặc nhiều)
  2. Định lý Y nhìn thường rất rùng mình và khiến mình không hiểu gì cả
  3. Lao vào chứng minh Y
  4. Không chứng minh được hoặc có đọc chứng minh cũng… không hiểu lắm
  5. Hạ mục tiêu (4) xuống, đi tìm tại sao lại đẻ ra được Y
  6. Vẫn không tìm được → Hoang mang → Bỏ mje, không làm được X rồi.

Đây là một cái rất sai trong cách nghĩ. Vì bản chất để làm được X, bạn cần thành thạo việc vận dụng Y, chứ không phải chứng minh Y. Đòi hỏi để giải loại toán này rất khác với kinh nghiệm làm toán ở thời cấp 2 – 3. Ngoài sai lầm trên thì nó còn đến từ thói quen học chuyên là: (1) Cái gì cũng cứ phải chứng minh để hiểu rõ và (2) Cứ cái gì chứng minh được là không cần phải nhớ. Thi đại học cũng thế, vào làm cái thứ cùng lắm tôi nhớ là định lý. Còn lại gần như là chứng minh lại hết trong phòng thi.

Lan man sang một việc khác là ở Mỹ, ngành Supply Chain được xếp vào nhóm Engineering, và một số trường, chương trình này được xếp vào dạng STEM. Nghĩa là sau khi học ra, bạn là Engineer (kỹ sư). Và định nghĩa Engineer trên Wikipedia mà tôi thấy khá hợp lý:

Engineers are people who design, construct, and maintain structures, materials and systems while considering the limitations imposed by practicality, regulation, safety, and cost.

Tạm dịch:

Kỹ sư là những người mà thiết kế, xây dựng và duy trì cấu trúc, “vật liệu” và hệ thống trong khi cân nhắc tới các giới hạn về tính thực tiễn, quy định, an toàn và chi phí.

Trong định nghĩa trên rất tiếc không có phần nào Engineer là đi chứng minh là toán, hay cụ thể là làm ra công cụ giải quyết vấn đề. Ngắn gọn, Engineer là dùng công cụ và giải quyết bài toán. Đoạn chứng minh, các nhà khoa học hoặc kĩ sư khác đã giúp bạn. Và việc này quay trở lại với sai lầm ở trên mà tôi về việc cứ ngồi loay hoay chứng minh mấy công thức trong mấy cái xác suất thống kê. Sai lầm này một lần nữa được khẳng định khi ngồi cafe hỏi một thằng em đã học bên Mỹ, nó bảo là đại ý là: mấy cái phần toán chứng minh công thức nguy hiểm này nọ luôn được xếp học sau, thuộc lớp Advanced, mà thuộc dạng tùy chọn. Hơi đắng!

Tóm lại, thoát được cái bẫy này, bạn sẽ băng băng học được thật sư với tốc độ 2 tiếng/ bài. Nhấn mạnh, các bạn học để thành Engineer!!!

Về việc thi

Phần này sẽ không có gì nhiều lắm. Cơ bản hôm đó tôi cũng lo lắng, tuy nhiên rồi cũng vào được trạng thái là nỗ lực hết mình còn kết quả, đỗ hay không (tức là mất 15 triệu hay không) thì tính sau. Có vài lưu ý nhỏ sau:

  1. Để 2 màn hình khi làm bài:
    1. Màn hình 1 là file excel mà để tính toán ra kết quả
    2. Màn hình 2 là trình duyệt với 2 tab duy nhất: Đề bài và Tài liệu mở (KCD).
      Với màn hình laptop 13’’ như tôi, thì cần Zoom out ở mức 90%, để đảm bảo mình nhìn được hết đề bài cũng như là thấy được hết tài liệu trong một khung màn hình.
      Để cho thạo việc này thì tốt nhất là lúc ôn tập ở nhà bạn đã nên làm thế này. Phím tắt để chia màn hình làm 2 là: (Windows) + (Left/ Right Arrow). Xem phụ lục 2.
  2. Bạn nên tải extension cho trình duyệt: PDF viewer, vì cái này giúp tìm được từ khóa dài hơn một từ. Ví dụ, thay vì chỉ tìm được từ “inventory” thì bạn có thể tìm được cả cụm “inventory management”. Việc này cực kì hữu ích và tính năng cài sẵn này không bị đánh giá là gian lận. Và vì nó không có sẵn trong Chrome nên bạn cần phải cài đặt thêm.
  3. KHÔNG nên như tôi là ăn trưa bằng bát bún và sau đó là uống nước mía. Dù tôi đã đi vệ sinh trước khi làm bài khoảng 30 phút (do tôi lỡ cố ôn thêm bài) mà gần như tôi chỉ bắt đầu 30 phút là cực kì khó chịu muốn xả lũ. Điều này đồng nghĩa là bạn ngồi không yên trong 1.5 tiếng còn lại. Quy định rất chặt chẽ của kì thi là bạn không ra khỏi phòng thi khi chưa hết thời gian hoặc bạn chưa bấm nộp bài. Tóm lại, đừng có uống nước nhiều, rồi đem cả cái “bóng đầy nước” đó vào thi.
  4. Nên TẮT tất cả các phần mềm trừ Excel/ Libre Office và trình duyệt, đặc biệt là các ứng dụng giao tiếp và các phần mềm thỉnh thoảng có thông báo. Việc sau thì làm cho chắc thôi, vì chắc chắn khi đang làm bài, bạn không muốn tự nhiên máy mình nhảy lên cái gì ở bất kì đâu trên màn hình thông báo gì đó phải không. Phần mềm giám sát của chương trình sẽ ghi lại mọi thứ trên màn hình và âm thanh bên ngoài.
  5. Chuẩn bị một phòng riêng tương đối trống trải tức là không chữ viết trên tường/ bảng, không giá sách, không có những thứ có thể bị nghi ngờ là có thể tận dụng để gian lận. Nếu không có được thì cách tốt nhất là ra ngoài thuê, phòng chỉ cần khoảng 9-10m2 là đủ. Bản thân tôi thuê ở Coworking space UP.CO ở Bách Khoa. Chỗ này có cái là hơi ồn. Sợ nhất là thỉnh thoảng có bạn thỉnh thoảng đi ra hành lang quát mắng khách hàng hay trút bầu tâm sự với nhau. Đây là điểm tôi khá lo lắng vì sợ các bạn Giám thị tưởng bọn kia đang… nhắc bài cho tôi.

Cơ bản tôi nghĩ như vậy là ổn. Còn lại, những thứ ai cũng biết mà vẫn nhắc là:

  1. Cố học tử tế ngay từ lần 1
  2. Khi MIT nói là cần 8 – 12 tiếng để thành thạo một bài học, họ chân thành tư vấn như vậy.
  3. Quan trọng là tự tin vào bản thân. Giỏi hay thành tích của những thằng khác là phù du.

Chúc các bạn may mắn. Có băn khoăn gì bạn cứ bình luận ở dưới, trong khả năng cho phép tôi sẽ trả lời. Tuy nhiên, cũng có những phần tôi sẽ không trả lời do đã xác nhận thỏa thuận gọi là “Honor Code” của MIT với đại ý là không được tiết lộ, chia sẻ về nội dung, hình thức hay lời giải của bài thi và GA, dưới mọi hình thức.


Phụ lục 1:

Thời gian biểu

Phụ lục 2:

Màn hình được chia đôi để cho tiện vừa giải bài, vừa xem đề và vừa xem tài liệu mở.

Xem thêm ở đây nếu vẫn chưa làm được.

Trên thực tế lúc đi thi là tôi Unpin cả cái viber ở trong hình minh họa trên rủi ro bấm nhầm.

Cập nhật (ngày 25/03/2018): Thống kê của 2 kì thi CFx

  • [Năm 2018, kì tháng 2]: Total number of learners taking the CFx: 548 from 78 countries (top 3: US, India, Brazil)
    • Number of learners successfully passing the CFx: 440 (~80%)
    • Average grades (of those who passed): 74%
    • Total Grades distribution (of those who passed):
    • 6% A (≥90% score)
      24% B (≥80% and <90%)
      37% C (≥70% and < 80%)
      33% D (≥60% and < 70%)
  • [2017, duy nhất, tháng 5]: Total number of learners taking the CFx: 787 from 79 countries (top 4: US, India, Mexico, Spain)
    • Number of learners successfully passing the CFx: 622 (79%)
    • The youngest learners who passed were 14 (twins) and the oldest, 71
    • Average grades (of those who passed): 76%
    • Total Grades distribution (of those who passed):
    • 8% A (≥90% score)
      28% B (≥80% and <90%)
      35.5% C (≥70% and < 80%)
      28.5% D (≥60% and < 70%)
Kinh nghiệm thi Supply Chain Comprehensive Exam (MM SCM)

15 thoughts on “Kinh nghiệm thi Supply Chain Comprehensive Exam (MM SCM)

  1. Tín says:

    Em là sv ngôn ngữ Anh năm 2. Em vào đh chỉ do em thích tiếng anh chứ không rõ là mình thích gì cả. Em vô tình biết đến Supply Chain và nó thực sự khiến em tò mò, thưa anh. Em chỉ mới đk lớp Supply Chain Analyst nhưng em đã bí ngay GA Week 2. Em chưa bao giờ nhạy trong môn toán. Anh cho em hỏi, liệu em có cơ hội tiến tới không, với tư cách là một người không nhạy con số, tính toán chậm ? Và cho em hỏi là trong quá trình học, anh có học thêm tài liệu nào không ạ hay làm bài tập thêm ở website nào ạ ? Em đang cảm thấy bị choáng do lâu em không tiếp xúc với toán.

    Liked by 1 person

    1. 1. Anh có người bạn, có lẽ cũng không nhạy về toán và sau này đi làm toàn số má. Nói rõ, là không nhạy về toán thì không đi làm toán ứng dụng – toán lý thuyết được thôi, vì cái này cần tài năng thật. Còn toán để ứng dụng các vấn đề cụ thể cơ bản, cứ cố gắng là được.
      2. Không hiểu thì em hỏi bài nhiều vào. Cái này vừa giúp em tương tác các bạn -> có thêm bạn bè, rất có thể hữu ích sau này. Vừa giúp em hiểu bài hơn.
      3. Tài liệu thì anh gần như không học gì bên ngoài. Hay đúng hơn, tập trung đúng tài liệu giảng dậy là thi được. Em có thể tìm hiểu trang Khan Academy để có thêm kiến thức cơ bản về toán được dạy. Trang này theo anh là một trong những nguồn dạy mà dễ hiểu nhất rồi. Kiểu rất bình dân học vụ, giảng kỹ & chi tiết. Anh có viết 1 bài về “Tự học online supply chain”. Em vào đó xem thêm những khóa học/ tài liệu bổ trợ, nếu cần.

      Liked by 1 person

  2. Tín says:

    Anh ơi, để lấy bằng của trường cấp, a có đóng tiền cho mỗi khoá không anh ? Hay anh chỉ đóng khoá thi thôi vậy anh ?? Nếu là tất cả khoá thì bao nhiêu tiền tổng cộng ạ ?

    Liked by 1 person

  3. […] Thuộc nhóm đầu tiên tham gia thi CFx, vẫn của cái chương trình trên. Đâu được khoảng hơn 1000 bạn thi. Rồi mình cũng trong khoảng hơn 600 người đầu tiên đỗ, trên toàn thế giới và ở VN thì có một. Ngoài mình, ít nhất còn 3 bạn, 1 anh tây và 2 bạn VN khác nữa. Trong đó 1 bạn VN là cựu đồng nghiệp của mình, và được rủ học cùng cho khí thế. Bữa học khí thế lắm, nên có viết lại 1 bài chia sẻ kinh nghiệm ở đây. […]

    Liked by 1 person

  4. Thanh Dang says:

    Anh ơi cho em hỏi bài thi cuối kì này có khó hơn những bài thi cuối khóa trước không ạ? (xét trong cùng 1 chủ đề)

    Like

      1. Thanh Dang says:

        Anh ơi cho em hỏi thêm bài comprehensive có cho 2 cơ hội trả lời giống bài cuối kì không ạ? Em cảm ơn anh.

        Like

  5. Hi anh,

    Không biết là anh còn hoạt động trên Blog nào không ạ?

    Em muốn xin thêm kinh nghiệm của anh về việc học Micro Master của MIT. Tại em hơi “dốt” toán nên đắn đo ko biết có pass đc không. Nếu được, em muốn nghe thêm chia sẻ của anh về phần toán phải học trong suốt khoá học ạ.
    Cám ơn anh.

    Like

    1. Em hãy thử mới biết được :). Đừng đoán. Biết đâu cái gọi là “dốt” của em vẫn học vẫn thi được thì sao.

      Về toán của nó, anh mạnh dạn đánh giá là khó vừa phải. Và như bài viết đã nhắc tới, quan trọng không phải là “hiểu” tận cùng của công thức toán, mà là “vận dụng thành thạo” cách ứng dụng toán và các vấn đề của Supply Chain. Chương trình cho engineer mindset, không phải scientist mindset. Nên em nên tự tin lên.

      Like

  6. Bạn ơi, cho mình hỏi là bạn học xong khóa này của MIT bạn có học lên luôn Master không? Sau khi học xong khóa này, bạn có thể liệt kê cho mình vài cảm nhận của bản thân sau khi tốt nghiệp, cơ hội nghề nghiệp,tính ứng dụng vào thực tế công việc, khóa này phù hợp với những ai nhé

    Like

    1. Mình có viết ở đây: https://canhpx.wordpress.com/2018/09/05/mit-mit-zaragoza-master-blended-in-a-nutshell-part-1/ và có 2 phần.

      Mình profile hơi dị, học xong, có offer ở lại học cao lên; nhưng cuối cùng cân nhắc vẫn về nhà khởi nghiệp. Nên câu chuyện mình không mang tính đại diện. Nói ra sẽ không khách quan với bạn.

      Cá nhân mình, mình coi đó là trải nghiệm. Và khách quan mà nói, phương pháp luận + một số kiến thức thì thực sự mình áp dụng thực tế rất nhiều trong công việc hiện tại. Nhưng nếu nhìn nhận nó trong chuyên ngành cụ thể là Supply Chain, và Operations, thì mình không phải là trường hợp phù hợp để tham khảo.

      Like

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.