Sách cho các bạn nhỏ

Trộm vía, con gái thích đọc. Có vẻ, hai bố con truyền qua lại niềm vui thú đọc cho nhau. Nay ngồi ghi lại những cuốn con thích và có thể đọc đi đọc lại mãi trong khoảng 2 năm vừa rồi.

  1. Chào mặt trăng
    Đây là có lẽ cuốn đầu tiên con được đọc trong đời. Sách Ehon, kết cấu đơn giản, dễ nhớ và rất chặt chẽ. Có twist :)), và đủ dễ tới mức cả nhà ai cũng thuộc cuốn này. Nhờ cuốn này, con chỉ mặt trăng rất nhanh 🙂
  2. Cá vàng trốn ở đâu rồi nhỉ
    Cuốn sách có lẽ là thứ hai của con :)). Sách Ehon, kết cấu đơn giản, rèn luyện khả năng tìm kiếm. Đoạn đầu, khi con chưa biết nói đọc cuốn này mình tin là hắn hiểu / và thuộc vị trí các bạn cá rồi ~ nhưng không “thể hiện được”. Sau này quay lại khi đã biết nói, bạn tìm rất giỏi các bạn cá.
  3. Chú sâu háu ăn
    Thuộc nhóm kinh điển. Sách vẽ siêu đẹp, là sự kết hợp vô cùng sáng tạo của giới thiệu khái niệm số đếm, thứ trong tuần, hình họa, và tương tác.
  4. Ngôi nhà say ngủ
    Kinh điển. Sách vẽ cũng rất đẹp, người lớn xem cũng mê. Bạn rất thích cuốn này, và cũng nhớ gần như làu làu toàn bộ truyện này. Có sự lặp lại rất thông minh của các tình tiết, có twist luôn. Cuốn sách này chính ra cũng hơi giống kiểu phim mà giấu Easter Egg ~ lâu lâu có mấy chi tiết phải rất để ý mới thấy. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên với khả năng của con mình, khi hắn có thể chỉ cho bạn thấy điều bạn không thấy :))
  5. Giận ơi là giận
    Mình rất thích cuốn này, và khâm phục tác giả. Bà đã mô tả vô cùng chính xác về cơn giận ~ và bằng hình họa. Trẻ con đâu thể nói cho con biết cơn giận là gì đâu. Vậy thì thể hiện thế nào để một bạn nhỏ hiểu về cơn giận. Chính người lớn là mình cũng học được, thấu hiểu hơn về con giận nhờ cuốn sách này.
  6. Nếu bạn cho chuột cái bánh quy
    Tác giả thực sự rất hài hước. Theo một nghĩa nào đó, cuốn sách này đã dạy bé về các khái niệm khá cơ bản trong lập trình như “If, else”, hay vòng lặp :))
  7. Thơ cho bé tập nói
    Một cuốn sách tiếng Việt hiếm hoi mà thấy thực sự có thể giúp các bé học tiếng Việt tốt hơn (nghe, đọc, và nói). Cuốn sách có nhiều bài thơ, bài đồng dao mang lại ký ức tuổi thơ.
  8. Series của tác giả Shinsuke Yoshitake, gồm mấy cuốn như: Dây chun diệu kì, Akira – Siêu nhân mở nắp…
    Tác giả có những phút, như kiểu xuất thần, giúp chính người đọc là mình như đi ngược thời gian về một kí ức xa xưa của bản thân. Để làm được điều này, họ phải thực sự rất hiểu trẻ em, quan sát tinh tường, và năng lực hồi tưởng xuất sắc.

Có mấy cái mình trải nghiệm & học được trong quá trình đọc chuyện cùng bé

  1. Nên đọc đi đọc lại một chuyện cho tới khi cả hai bên cùng thuộc 🙂
    Cái này có một người bạn có chia sẻ với mình, việc này cũng giúp bé rèn luyện sự kiên nhẫn với một chủ đề, sau này có thể là vấn đề – mà đại diện hiện tại là một cuốn sách. Mặt khác, việc lặp đi lặp lại cũng giúp con xây dựng dần từng khái niệm trong thế giới này và đưa chúng vào trí nhớ dài hạn của bé.
  2. Theo quan sát của mình, và cả nghiên cứu khoa học, con trẻ khả năng tiếp thu rất nhanh, và nhớ lâu – sâu. Không nên nhầm lẫn giữa, con chưa nói được – và con không hiểu, không tiếp nhận được. Bố mẹ cũng cần kiên nhẫn, rồi dần sẽ thấy các bạn “siêu” thế nào.
  3. Sách cũng giúp bé rèn được sự tập trung, một kĩ năng – một tài sản lớn của thời đại này.
    Việc ngồi yên một chỗ, 2 người phải chăm chú vào một thứ không có “ào ào” như video sẽ giúp bạn nhỏ dần hình thành được năng lực tập trung. Đây cũng là sự chiêm nghiệm của chính mình từ quá trình đọc cho bé. Việc này có giúp mình dần hồi phục khả năng tập trung vốn bị bào mòn trong thời đại kĩ thuật số, và phong cách làm việc ào ạt – theo thời gian thực, và ít khi được tập trung đủ sâu – chất lượng. Ngoài lề, hiện tại mình bắt đầu đọc lại cả tiểu thuyết, vì nó đòi hỏi nâng cấp về độ tập trung, vì nếu đứt mạch là chẳng hiểu gì.
  4. Sẽ tới giai đoạn bé bắt đầu thể hiện niềm yêu thích với một chủ đề cụ thể, ví dụ, bạn nhà mình là ô tô, khủng long…
    Lúc này có thể cho bé trải nghiệm đào sâu bằng cách mình sẽ tìm nhiều cuốn về cùng chủ đề này và đọc cho bạn. Việc này sẽ có nhiều tác dụng, ví dụ một cái là giúp các bạn nhỏ, bắt dần có ý niệm về các hình mẫu (pattern). Cụ thể hơn, ví dụ cùng 1 con khủng long chẳng hạn, mỗi tác giả sẽ mô tả, vẽ vời sai khác nhau do trải nghiệm, tượng tưởng hay kiến thức khác nhau. Nhưng rõ ràng chúng sẽ có những điểm chung, và việc này lâu dài sẽ giúp bé hình dung được cái gì là cốt lõi nhất của một con khủng long, từ đó khái quát hóa về một ý niệm “khủng long”.
  5. Đọc cùng bé cũng kích thích lại niềm hứng khởi học hành của bậc phụ huynh.
    Điều này ít nhất là… đang đúng với mình. Từ chuyện phải kiên nhẫn đọc cho bạn, tới việc chính mình cũng đặt lại cho bản thân nhiều câu hỏi về thứ tưởng chừng “vốn dĩ thế”.

Thực ra trên đây chỉ là một số đại diện khá khiêm tốn so với số sách bạn nhà được đọc, và lấy làm thích thú. Liệt kê trên, chỉ là khơi gợi cho các bậc phụ huynh về các cuốn sách có thể sẽ khiến việc hào hứng cho cả phía người đọc lẫn người nghe. Các bạn có thể tìm dựa trên các keywords “Ehon”, hay series truyện Tiếng Anh kinh điển mà trường Eton Grammar School họ sưu tầm và dịch song ngữ.

Chúc cả bé, và phụ huynh sẽ tận hưởng những khoảng thời gian thú vị, khám phá về nhau, và cả thế giới xung quanh mình.

P.s: Tất cả các cuốn trên đều có thể kiếm được trên Tiki nhé.

Sách cho các bạn nhỏ

Học thế nào, trong thời đại này?

Ghi lại, tổng kết nhanh, không phải là một bài nghiên cứu / thảo luận quá có chiều sâu.

Trong một thời đại Generative AI, sự tập trung của con người có thể coi là bị hủy hoại bởi Media, và Tiktok-style content, thì việc học cần phải thay đổi.

Thay vì nhìn thay đổi chóng mặt đó, và có thể là “oán giận”, hay “vô tri” tức là cứ để nó cuốn tới đâu hay tới đó, thì thích ứng một cách khéo léo là phù hợp nhất.

Dưới đây là vài chia sẻ cá nhân của mình, sau một thời gian thực sự áp dụng. Mình ghi nhanh lại, sau có cơ hội quan sát lại phát triển bản thân thông qua sự học.

Về việc đọc sách

  • Mình đã không còn đọc sách kiểu hết cuốn. Cũng phần nào nhờ hồi lâu đi học, đọc lắm, nên giờ đọc phần lớn là theo cái quan tâm. Tất nhiên, có những tác giả, hay cuốn sách tâm đắc, thì như một cách tri ân, mình có đọc hết từ đầu đến cuối, và lướt chỗ chưa cần.
  • Mình vẫn ưu tiên đọc sách giấy. Nó giúp mình tập trung, neo mắt dễ hơn, và gạch / viết lăng nhăng vào những gì thấy hay ho. Cái này có bị ảnh hưởng bởi cuốn The Lifetime Learner’s Guide to Reading and Learning.
  • Sách vẫn là phương tiện đối thoại tuyệt vời, với tác giả, và chính bản thân.
  • Cuốn nào quan trọng, mình có viết lại vào trong cái app “Note” của Apple. Thường cũng không quá 30′ là tạm tạm xong. Thế cũng như một cách đưa kiến thức học được vào trong trí nhớ dài hạn.
  • Có người bạn chơi với mình, thực sự là mọt sách, và mình cực kỳ nể trọng người này, có đưa ra một nhận định như sau về sách trong ngữ cảnh thời đại hiện nay “(đọc) sách giờ là chậm lắm rồi, giờ đọc blog / podcast, cho nhanh và kịp thời (hấp thụ, và hiểu)”. Mình đồng ý, một phần, và mình có “cải tiến” lại theo kiểu dưới đây.
    • Sách có rất nhiều cuốn, được giới thiệu, hay được suggested bởi mấy cái hệ thống AI / social network này nọ. Nếu nó thu hút được chú ý nhưng vẫn chưa “trúng” hoàn toàn, gãi đúng cái mình đang quan tâm nhất thì mình sẽ đọc / nghe podcast người này nói.
    • Thời đại này, tác giả cũng cần sale / marketing thôi, vì vậy cứ lên Spotify / Apple Podcast / Ted talk… rồi search đúng cái tên tác giả này, và nghe xem ông / bà này tâm sự chuyện gì.
    • Sức mạnh của cách này là sự chắt lọc. Tác giả mình thấy thường nói được 60-80% những thông điệp / finding quan trọng nhất ở những kênh trên. Nếu thấy “trúng” (click) quá rồi mình sẽ mua sách để tự đào sâu thêm. Nghe podcast xong cũng giúp mình hiểu hiểu tác giả, nên đọc cũng sẽ nhanh hơn rất nhiều.
    • Điểm nữa là nó giúp mình screen nhanh về liệu cuốn này có phù hợp, và thứ nữa là tiết kiệm tiền mua sách.

Tổng kết: Mình vẫn đánh giá sách là nguồn tri thức rất quan trọng. Sách giấy cũng cải tiến nhiều, rất nhiều style cũng thích nghi hơn với thời đại mì ăn liền trong cách trình bày, cũng giúp hấp thu nhanh hơn. Tất nhiên, dù là dạng thức nào, nó vẫn là nguồn tri thức không thể thay thế. Và nếu là dạng “tĩnh” (giấy / e-ink), thì là món quà cho sự tập trung vốn khan hiếm lúc này.

Continue reading “Học thế nào, trong thời đại này?”
Học thế nào, trong thời đại này?