Còn mấy lần gặp nhau

Hai anh em ngồi tâm sự trên quãng đường ngắn ngắn còn lại từ nhà anh Tùng ra ga tàu Chicago để mình chạy lại về khu Uptown của đồ Việt. Anh xuýt xoa bảo, không rõ lần thứ bao nhiêu trong buổi gặp hôm nay:

  • Nhanh em nhỉ, mới đó cũng 5 năm rồi mới gặp nhau.

Xoay vô lăng rẽ vào một con đường, anh nói thêm:

  • Chắc còn mấy lần gặp nhau nữa là anh em mình đi cả. Chắc độ 10 lần nữa em nhỉ.

Tôi, vẫn đang lâng lâng trong trạng thái kiểu hạnh phúc an bình với cuộc gặp với anh chị và cháu Jony, đáp:

  • Có lẽ chẳng tới. Mình càng già, càng ít đi lại, có khi 3 lần, có khi cũng chỉ là 5 lần nữa thôi. Khi nói con số ra mà thấy sợ anh nhỉ. Cũng không thể nói trước được điều gì. Trong đời mình đôi khi mình gặp ai đó rất nhiều, alo nhau cái là có thể gặp, mà rồi, không ai biết được, có khi cái buổi alo đấy lại là lần cuối mà anh em gặp nhau. Mà mình thì sống cứ như thể mình còn gặp nhau mãi.

Rồi xe cũng tới bến ga tàu. Tôi quay sang tháo dây an toàn của xe, thấy anh cũng tháo và giơ tay ra bắt đồng thời cũng nhoài người ra lần nữa ôm tạm biệt tôi. Chúng tôi cùng chúc nhau may mắn và hẹn khi nào sớm gặp lại nhau. Xe anh lăn bánh, tuyết bắn nhẹ lên khi xe chạy xa dần.Cuộc gặp của anh chị tuy ngắn, nhưng quả thật với tôi, nó là cái gì đó rất tuyệt vời, rất đáng trân quý. Cũng phải nhắc để nhớ, đây là lần đầu tiên tôi đến một gia đình Việt Nam ở Mỹ. Vào tới nhà, là một không khí thân thiện, nồng nhiệt và cũng đầy ấm cúng. Cháu Jony nhỏ nhỏ, đứng chào chú Cảnh, chị Dương chạy trong bếp ra cười vui vẻ, tít mắt và cũng ôm lấy tôi. Một cách đón tiếp mà tôi không thể cho rằng tốt hơn. Bữa ăn rất hoành tráng do anh Tùng đạo diễn với món Stake bò điển hình của Mỹ to đùng, dầy cộp, medium rare. Vậy nhưng với dao dĩa, em thịt đó dễ dàng bị xẻ ra và khi ăn thì tuyệt đối rất mềm. Vị ướp, độ mềm và ngọt của thịt đều rất hoàn hảo. Chấm vào loại tương cho stake – nâu nâu, cộng với trộn với tương ớt Srirachai nữa thành một cái gì đó rất hoàn hảo. Có lẽ màu tương nâu, của Mỹ và đỏ, của Việt Nam như là cái đó rất rõ ràng anh chị đã hòa nhập trọn vẹn vào cuộc sống ở Mỹ sau khoảng gần 7 năm nhưng vẫn không bỏ đi cái gốc gác quê nhà của mình. Trộn Salad của chị Dương thì tuyệt vời, vị ngọt, chua và thanh nhẹ của các loại rau khiến cho nó không thể hoàn hảo hơn để ăn kèm với miếng Stake kia. Tôi, đã vượt qua khả năng vốn có của mình, để có lẽ xơi gần hết miếng Stake to đùng.

Rồi sau đó là anh Tùng pha cafe cho chúng tôi cùng uống. Vị Capuchino đắng nhẹ và dịu, ấm áp và béo béo làm cho khúc nói chuyện tiếp theo cũng tuyệt vời không kém. Chúng tôi bắt đầu ôn đủ thứ chuyện, chia sẻ đủ thứ – từ chuyện ngày xưa anh em tập tọng kinh doanh với nhau, chuyện té ra anh em mình cùng trường cho tới chuyện giờ anh làm tiến sỹ nó vất vả như thế nào. Thấy anh chị hài lòng và sau nhiều vất vả đã thật sự hòa nhập được với cuộc sống bên đây. Có lẽ đó là điều quan trọng nhất. Mô hình gia đình là: Anh – đóng vai trò ổn định, làm công việc nghiên cứu; chị – đóng vai trò có thể cất cánh gia đình, duy trì một công việc kinh doanh từ Việt Nam của cả hai vợ chồng. Nghĩ thấy đúng là thuận vợ thuận chồng, tát không chỉ biển Đông Việt Nam, mà mò sang tận đây tát luôn cả biển Mỹ. 

Rồi cuộc vui nào cũng có lúc tàn, thời gian hai tiếng rưỡi cứ trôi đi vèo vèo. Tôi buộc phải đứng dậy và tạm biệt anh chị về để còn đi về gặp một người bạn chung với cả anh – chị và tôi, Nga. Ra về, tôi tự nhiên nghĩ ra một trò, đó là ôm thằng Jony lên. Vừa ôm nó, tôi vừa bảo: “Hôm nay phải ôm thằng cháu, để sau này khi quay lại, nó to đùng rồi chú sẽ nói với Jony: Ngày xưa chú bế mày, mày còn bé tí, giờ đã lớn thế này rồi. Mày không nhớ đâu.”. Tất cả chúng tôi đều cười và bảo đúng đúng, đây đúng là câu phổ biến thần thánh nhất mà cả bọn lại nghe được khi gặp một ông chú, bà bác, hay một người bạn nào của bố mẹ. Thật ra với mình, cái lúc to đùng đó rồi, họ thật lạ hoắc. Vậy đó, tôi cũng đến tuổi đi bế cháu của bạn bè rồi. Rồi thoắt “mấy cái lần gặp nhau nữa”, cái thằng tiếp nối bé bé con con Jony 4 tuổi kia, có cũng sẽ lại như chúng tôi bây giờ, đi đâu đó hòa vào cái biển người xã hội này, lớn đùng trưởng thành và làm (được hi vọng làm) mát lòng mát dạ bố mẹ của nó.

Còn mấy lần gặp nhau

One thought on “Còn mấy lần gặp nhau

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.