Liệu pháp khi bơi

Bể bơi nhà mình ở tầng 2, mái che. Kết hợp với hướng nắng như hiện tại, gần như quanh năm nó không tiếp xúc với mặt trời. Thêm vào đó là gió, trời lúc nào cũng rất lộng gió nên bể nó lúc nào cũng được quạt cho mát thêm. Điều này đồng nghĩa với việc, xuống bể là lạnh VL. Vào mùa mưa, nên xuống bể lần nào cũng như là mấy bạn bảo vệ muốn đỡ phải trông thì bỏ thêm đá vào bể vậy.

Mỗi lần xuống mình đều hỏi bản thân một việc tại sao lại đi làm cái việc ngu ngốc này, xuống một cái bể mà cảm nhận được rõ cả cái buốt nhẹ nhẹ đang lan từ bàn chân lên tới trên.

Thường bắt đầu một cuộc bơi, mình sẽ sử dụng liệu pháp Haruki¹. Đó là việc bơi này giúp mình có cuộc sống như mình muốn. Đại loại đành tự chém với bản thân vậy.

Xuống thì bao giờ mình cũng có một vòng gọi là vòng thần thánh. Ấy là vòng 1, vòng đầu tiên của việc bơi. Gọi là vòng thần thánh, vì mình thấy lướt như một vị thần, cực kì nhẹ nhàng và cũng đầy sung mãn. Sau vòng này, cảm thấy như có bơi 1000 vòng nữa cũng vậy. Nhưng rồi thực tế nó xuống phũ phàng nhanh lắm. Thần thánh này cùng lắm được 2 vòng. Còn tới vòng 3 – 5 vòng là bắt đầu đoạn chửi rủa bản thân là nhiều nhất. Chán và mỏi rất nhanh. Lúc này chỉ muốn lên nhanh. Trong đầu bắt đầu chạy qua các ý tưởng rất thông mình kiểu như: “Thôi, hay là thay vì 30 vòng thì ta chỉ là 10 vòng thôi.” Kiểu vậy. Nhưng rồi qua đoạn chửi này, thì kiểu chấp nhận, thôi lỡ cmnr, thì cứ bơi tiếp vậy xem sao.

Đến lúc này, thì phải thêm một liệu pháp nữa. Mình cũng tự bịa thêm, gọi là liệu pháp %. Liệu pháp này là dựa trên đặc thù của bơi bể, lapping, tức là bơi đầu này, rồi phi ngược lại. Cụ thể ví dụ 3 vòng đầu tiên là: ôi thế là 10% (của 30 vòng) rồi, nhanh quá. Sau đó 8 – 9 vòng thì tự nhẩm, OK, quá siêu, gần 30% rồi, 10 vòng đến mông rồi. Đến vòng thứ 17, 18 thì sẽ là OK, vậy là còn 2 – 3 vòng nữa là 20 vòng rồi. (Ý là gần được 2/3 rồi). Cứ thế, 30 vòng cũng (vèo vèo) trôi đi.

Có một cái ngưỡng bơi hay chạy đều có, tức là quá khúc đây sẽ bắt đầu thấy quen, và còn xung nữa. Với mình thì mốc này đang là 20. Sau vòng này, tay sẽ vượt quá ngưỡng mỏi, cứ thế là quạt ầm ầm, về đích!!!

Lúc bơi nói chung như nhiều môn sức bền khác, thường mình chẳng nghĩ gì. Cũng thỉnh thoảng mình có liên hệ vớ vẩn. Một trong những liên hệ đó là mình so sánh hai bơi và startup. Ví dụ:

  • Lúc xuống bể, khổ sở vậy, thì cũng nghĩ về sao không chọn cái gì dễ dễ hơn. Đi (làm thuê) với anh em – một công ty đã thành hình, dù chắc chắn cũng vất vả, nhưng nói gì thì nói cũng có một cái chân đế rồi, cứ thế phát triển lên thôi. Cũng được anh em chia lại phần thưởng chiến thắng một cách cũng sòng phẳng và rộng rãi. Còn startup như hiện nay, cứ như chậm chạp đếm 1 – 2 vòng đầu vậy. Trời ơi, bơi nãy giờ mà mới 5 phút ý hả, hay là mới được có 4 – 5 vòng thôi ah.
  • Hay là lúc bơi dùng liệu pháp %, thì lúc startup, có mấy mốc nho nhỏ cũng lôi ra để cảm thấy có tiến độ, có những chiến thắng nho nhỏ.

Mà giờ chưa biết sao, cứ tiếp tục bơi và bơi với startup đã.

¹ Haruki: Haruki Murakami là tác giả cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ“. Tác phẩm của ông như một nhật kí chạy bộ của bản thân, nơi ông chia sẻ một cách khá là vụn và gãy đoạn về việc chạy. Việc này theo một nghĩa nào đó rất đúng với những dòng suy nghĩ khi chạy/ hay các môn trường sức nói chung. Chẳng nghĩ gì quá hệ thống cả. Nhưng cái sự không hệ thống này chính là điểm tựa để ta làm những thứ rất có hệ thống, như việc viết mốn cuốn tiểu thuyết vậy.

Liệu pháp khi bơi

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.